Bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ hiện nay không còn là lĩnh vực quá xa lạ đối với chúng ta. Trong quan hệ giữa bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm và bên mua, rất cần những quy định chung cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ nhằm giúp hai bên tránh xảy ra những tranh chấp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của cả hai bên. Vì vậy, những quy định pháp luật đã trở thành một yếu tố quan trọng bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, mặc dù đã có sự chỉnh sửa, bổ sung cần thiết, vẫn còn một số quy định pháp luật chưa thực sự phù hợp đối với hoạt động bảo hiểm nhân thọ thực tiễn và gây ra những bất lợi ảnh hưởng đến lợi ích của hai bên tham gia trao đổi dịch vụ.
1. Một số vấn đề trong pháp luật Việt Nam về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
1.1. Nghĩa vụ cung cấp thông tin trung thực và ảnh hưởng pháp lý
Một nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong giao kết bảo hiểm nhân thọ là khách hàng phải trung thực tuyệt đối. Khi đồng ý tham gia bảo hiểm, khách hàng sẽ có trách nhiệm phải kê khai đầy đủ và chính xác vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, tuân thủ các quy tắc điều khoản hợp đồng. Việc cung cấp sai thông tin sẽ dẫn đến những tranh chấp, hiểu lầm không đáng có giữa hai bên.
Thứ nhất, khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019 (sau đây viết tắt là KDBH) quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin là bắt buộc đối với bên được bảo hiểm, tuy nhiên trong một số trường hợp, bên được bảo hiểm có thể đưa ra những câu trả lời không rõ ràng do không nhớ, không để ý hoặc từ chối cung cấp những thông tin liên quan thu nhập bình quân hay bảo mật cá nhân. Nếu vậy, những trường hợp như trên có được coi là vi phạm pháp luật không? Và làm thế nào để có một quy mẫu chung bắt buộc cho các câu trả lời cần được cung cấp?
Thứ hai, trong bộ Luật KDBH cũng đã quy định tại khoản 2 Điều 19 với trường hợp đối với bên mua bảo hiểm không tuân thủ việc cung cấp thông tin bằng việc DNBH (sau đây viết tắt là DNBH) đơn phương chấm dứt hợp đồng và và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Đối với trường hợp bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin cho khách hàng, khoản 3, Điều 19 Luật KDBH cho phép bên mua bảo hiểm cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và DNBH sẽ phải bồi thường thiệt hại phát sinh đối. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây đâu là căn cứ để xác định hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật? Đối với DNBH, việc này có thể dễ dàng dựa vào mẫu hợp đồng bảo hiểm được DNBH chủ động soạn sẵn và nghĩa vụ của họ chỉ dừng lại ở giải thích “ các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của được bảo hiểm ”. Tuy nhiên, đối với bên khách hàng, quá trình cung cấp thông tin là một quá trình dài, vì vậy, không thể tránh khỏi thông tin sai sót hoặc cố ý dùng những thông tin cũ nhằm hưởng lợi.
1.2. Một số trường hợp trả tiền bảo hiểm nhân thọ
Trong giao kết hợp đồng bảo hiểm, đã có những trường hợp khách hàng hoặc doanh nghiệp cố gắng trục lợi hoặc từ chối chi trả số tiền bảo hiểm nhân thọ như trong hợp đồng cả hai bên đã đồng ý từ trước.
Tình trạng trục lợi bảo hiểm nhân thọ khá phổ biến nhưng để phát hiện được lại rất khó khăn. Trong những trường hợp này, giải pháp duy nhất là công ty bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm (sau đây viết tắt là NĐBH) huỷ hợp đồng và việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm là hợp pháp và được quy định trong Điều 23, Luật KDBH. Trên thực tế, bất cứ công ty bảo hiểm nào cũng đều liên tục xem xét và đánh giá rủi ro của các khách hàng được bảo hiểm. Nếu tại thời điểm nào đó trong thời gian hiệu lực hợp đồng, rủi ro vượt quá khả năng bảo hiểm của công ty thì công ty tiến hành chấm dứt hợp đồng và trả lại phí cho phần thời gian chưa bảo hiểm.
Thứ nhất, điểm b, khoản 1, Điều 39 Luật KDBH có quy định DNBH sẽ không phải trả tiền bảo hiểm trong trường hợp: “ Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của được bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng.” Chúng tôi nhận thấy có hai vấn đề sau:
Một là, nếu người mua bảo hiểm chỉ định nhiều người thụ hưởng thì những người thụ hưởng còn lại vẫn được trả tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định số tiền thụ hưởng của mỗi người vẫn giữ nguyên theo chỉ định của người mua bảo hiểm hay được hưởng thêm phần từ người thụ hưởng bị tước quyền thụ hưởng.
Hai là, trường hợp những người thụ hưởng khiến NĐBH chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn, vậy DNBH sẽ xử lý thế nào với số tiền đóng bảo hiểm của người mua? Trong tình huống này, chúng ta có nên xem xét việc bổ sung người thụ hưởng bảo hiểm không?
Thứ hai, điểm c, khoản 1, Điều 39 cũng quy định DNBH không có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm nhân thọ liên quan đến sự kiện bên được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình. Quy định này nhằm mục đích nhằm loại bỏ hành vi cố gắng trục lợi từ NĐBH. Vậy nên, chúng tôi cho rằng cần ấn định thêm một khoảng thời gian từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực đến ngày NĐBH thực hiện hành vi phạm tội. Trong khoảng thời gian quy định trên, các công ty bảo hiểm có thể loại trừ các trường hợp NĐBH cố gắng vi phạm pháp luật để chiếm được số tiền bảo hiểm mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Hơn nữa, xét về mặt nhân đạo, NĐBH vẫn còn nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với người mà họ chỉ định thụ hưởng tiền bảo hiểm, kể cả khi NĐBH không còn, quyền và lợi ích của người thụ hưởng vẫn cần được đảm bảo nhằm giúp đỡ cuộc sống của họ.
1.3. Những căn cứ trả tiền bảo hiểm, sức khỏe con người
Báo Tuổi trẻ có tổng kết một tranh chấp như sau:
“Năm 2012, ông An mua hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của một công ty bảo hiểm có trụ sở tại TP.HCM. Hai hợp đồng này có giá trị khoảng 500 triệu đồng. Sau khi ký hợp đồng xong, ông An phải nằm viện điều trị các bệnh rối loạn tiền đình, hội chứng dạ dày tá tràng, nhiễm siêu vi, tăng huyết áp độ I, viêm xoang… Ra viện, ông An nộp đầy đủ chứng từ, hóa đơn nằm viện điều trị 41 ngày và yêu cầu phía bảo hiểm thanh toán cho ông theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, phía bảo hiểm không thực hiện. Ông An buộc phải gửi đơn khiếu nại đến Bộ Tài chính, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm. Sau khi nhận đơn, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã có văn bản yêu cầu công ty bảo hiểm phải chi trả cho ông An. Tuy nhiên, phía bảo hiểm vẫn "án binh bất động". Không còn cách nào khác, ông An phải khởi kiện ra tòa. Tại tòa, công ty bảo hiểm vẫn bảo vệ quan điểm từ chối yêu cầu của ông An. Lý do: công ty cho rằng việc nằm viện của ông là không cần thiết về mặt y khoa, không cần thiết phải điều trị nội trú. Theo lý giải của bên bảo hiểm, việc nằm viện của ông An để nhận thuốc uống là hình thức tịnh dưỡng tại bệnh viện, thuộc trường hợp loại trừ theo quy định của hợp đồng bảo hiểm Những lập luận này của phía công ty không được tòa án chấp nhận. Theo tòa, trong các hợp đồng bảo hiểm ông An đã mua không có điều khoản nào nêu rõ các loại bệnh như rối loạn tiền đình, hội chứng dạ dày, nhịp xoang nhanh, viêm họng... thuộc trường hợp không được trợ cấp nằm viện. Ngoài các căn cứ nêu trên, công ty cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc ông An nằm viện là "không cần thiết về mặt y khoa". Công ty cho rằng ông An nằm viện chỉ để nhận thuốc uống là nhận định chủ quan, một phía, không có cơ sở pháp lý. ”
Tại Điều 33, Luật KDBH đã đưa ra các căn cứ để DNBH có thể dựa vào nhằm chủ động đề xuất và chi trả các khoản tiền bảo hiểm liên quan đến tai nạn con người và sức khỏe con người những vẫn chỉ gói gọn chung trong “thỏa thuận” giữa hai bên trước đó. Thực tiễn đã chứng minh không phải lúc nào những “thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm” được thực hiện đúng nhất, bởi thế nên mới có những tranh chấp tương tự như trên. Chúng tôi nhận thấy, mặc dù để quy định căn cứ chi trả bao quát nhằm giúp cả hai bên có thể linh hoạt trong hoạt động giao kết bảo hiểm, tuy nhiên, nếu sự linh hoạt này có thể dẫn đến những thiệt hại hoặc cơ hội trục lợi, không chi trả tiền bảo hiểm thì pháp luật nên xem xét đưa ra những căn cứ cụ thể hơn hoặc đưa ra những mức xử phạt nặng hơn.
1.4. Điều kiện giao kết hợp đồng hợp đồng bảo hiểm con người cho sự kiện bên mua bảo hiểm qua đời
Mục đích khi bên mua bảo hiểm con người cho trường hợp chết của người khác là để người đó thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với người thụ hưởng và phải được NĐBH đồng ý bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền bảo hiểm và người thụ hưởng. Bên cạnh đó, các bên trong hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự phải được quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ đối với nhau.
Quy định này được đặt ra nhằm loại bỏ trường hợp trục lợi bảo hiểm từ sự kiện chết của NĐBH nhưng ở đoạn 2, khoản 1, điều 38 Luật KDBH, cụ thể: “Mọi trường hợp thay đổi người thụ hưởng phải có sự đồng ý bằng văn bản của bên mua bảo hiểm”. Quy định này thừa ở chỗ khi thay đổi người thụ hưởng, tức thay đổi nội dung của hợp đồng bảo hiểm thì tất nhiên sẽ phải thông qua cả hai bên tham gia vào giao kết hợp đồng. Hơn nữa, nếu dựa theo đoạn quy định này, bên mua bảo hiểm sẽ có quyền thay đổi người thụ hưởng mà không cần sự chấp thuận của NĐBH. Trong khi đó, theo đoạn 1, khoản 1, điều 38 Luật KDBH, hợp đồng bảo hiểm con người cho trường hợp chết phải được NĐBH đồng ý bằng văn bản. Điều này gây ra sự mâu thuẫn trong một điều luật.
Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của NĐBH hoặc người thụ hưởng, đồng thời đảm bảo thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển một cách minh bạch. Vì vậy, cần thiết phải có những sửa đổi, bổ sung các quy định điều chỉnh quan hệ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Chúng tôi đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như sau:
Thứ nhất, cần bổ sung về một số quy định như sau: một là, quy định rõ về trách nghiệm của NĐBH về trong vấn đề khai báo, trừ trường hợp NĐBH là người dưới 18 tuổi thì việc kê khai thông tin sẽ do cha, mẹ hoặc người giám hộ của NĐBH thực hiện, thì người kê khai thông tin cho NĐBH sẽ là người chịu trách nghiệm. Cần có những hình phạt thích đáng đối với bên vi phạm nếu một trong hai bên vi phạm đến tính trung thực và công bằng của HĐBH; hai là, thực hiện các yêu cầu xét nghiệm y khoa theo chỉ định của bên DNBH; ba là, khi khám, chữa bệnh phải chấp hành chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa trong điều trị.
Thứ hai, về hậu quả pháp lý của việc một bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, nếu thời điểm phát hiện một bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi sự kiện bảo hiểm xảy ra thì bên bị vi phạm có quyền tuyên bố đơn phương đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Nếu thời điểm phát hiện một bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin sau khi sự kiện bảo hiểm xảy ra thì Tòa án sẽ đứng ra để giải quyết. Tòa án chỉ có quyền tuyên bố vô hiệu nếu thông tin bị cho là lừa dối là nguyên nhân xảy ra sự kiện bảo hiểm; trường hợp thông tin bị cho là lừa dối là không phải nguyên nhân xảy ra sự kiện bảo hiểm thì DNBH vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Thứ ba, sửa đổi khoản 1, Điều 19 Luật KDBH theo hướng cho phép NĐBH có quyền từ chối cung cấp thông tin nếu thông tin được yêu cầu cung cấp không rõ ràng hoặc cho rằng đó là thông tin không cần thiết phải cung cấp đối với bảo hiểm nhân thọ. Để tránh việc NĐBH phải tiết lộ những thông tin cá nhân của NĐBH không thực sự cần thiết đối với DNBH. Dựa vào thực tiễn DNBH sẽ xem xét yêu cầu từ chối cung cấp thông tin, tự cân nhắc việc có giao kết hợp đồng bảo hiểm hay không.
Thứ tư, nhằm bảo vệ quyền lợi của người thụ hưởng, cần sửa đổi một số trường hợp hợp đồng được trả tiền bảo hiểm như sau:
Một là, bổ sung vào điểm c, khoản 1, Điều 39 Luật KDBH quy định về thời hạn tính từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực đến ngày thực hiện hành vi phạm tội mà khi xét xử, tội phạm đó bị áp dụng hình phạt tử hình. Khoảng thời hạn này có thể là một năm loại bỏ mối liên hệ giữa hành vi mua bảo hiểm và hành vi cố ý vi phạm tội nhằm trục lợi từ số tiền bảo hiểm. Nếu thời hạn của hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 39 Luật KDBH thì NĐBH vẫn có thể xem xét nhận được tiền bồi thường bảo hiểm. Cần cân nhắc cũng như xem xét kỹ đến thời gian ký kết hợp hợp đồng bảo hiểm hay khi hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực so với thời gian NĐBH thực hiện hành vi phạm tội để đảm bảo sự công bằng đối với người được thụ hưởng.
Hai là, bổ sung vào khoản 2, Điều 39, Luật KDBH nội dung sau: “Nếu tất cả những người thụ hưởng đều có lỗi cố ý gây ra cái chết hoặc thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm có quyền chỉ định người thụ hưởng tiếp theo; trường hợp NĐBH không thể chỉ định người thụ hưởng thì người thụ hưởng là người thừa kế của NĐBH”. Do số tiền bồi thường bảo hiểm nhân thọ thường là một con số không hề nhỏ, vì vậy sẽ rất dễ khiến cho những người được thụ hưởng sinh ra những ý đồ sai trái. Cần có những giải pháp để đề phòng cũng như ngăn chặn những dụng ý xấu, lợi dụng sở hở của luật pháp.
Thứ năm, sửa đổi đoạn hai khoản 1, Điều 38 Luật KDBH theo hướng đảm bảo tính logic và thống nhất với đoạn thứ nhất của điều này và bảo vệ được quyền lợi của NĐBH. Theo đó, đoạn hai khoản 1, Điều 38 được viết lại như sau: “Mọi trường hợp thay đổi người thụ hưởng và số tiền bảo hiểm phải có sự đồng ý bằng văn bản của NĐBH”. Trong trường hợp người mua bảo hiểm không phải là NĐBH, thì khi thay đổi bất cứ thông tin liên quan đến người thụ hưởng số tiền bảo hiểm và số tiền bồi thường bảo hiểm thì NĐBH có quyền được biết. Quy định này nhằm góp phần đảm bảo người mua bảo hiểm không trục lợi từ sự kiện bảo hiểm xảy ra đối với NĐBH (đặc biệt trong trường hợp bảo hiểm nhân thọ về tính mạng của NĐBH). Điều đó cũng giúp cho đối tượng được đề cập đến trở nên rõ ràng và chính xác.
Hà Anh - Phương Thảo
Nguồn ảnh: Internet
Tài liệu tham khảo
Tâm Lụa, Bảo hiểm nhân thọ 500 triệu, bệnh nằm viện không được bồi thường vì... 'không cần thiết', Báo Tuổi trẻ, truy cập ngày 07/06/2021
Tiến sĩ Trần Vũ Hải, Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam-những vấn đề lý luận và thực tiễn, luận án tiến sĩ, 2014, tr. 144.
3. ThS Trần Minh Hiệp, Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (415), http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/210634/Bat-cap-trong-quy-dinh-cua-phap-luat-dieu-chinh-hop-dong-bao-hiem-nhan-tho, truy cập lần cuối 07/06/2021.
Comments