top of page
CLB Nhà tư vấn Luật

[M&A] QUY TRÌNH TỔNG QUÁT CỦA THƯƠNG VỤ MUA BÁN VÀ SÁP NHẬP

 

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ngày càng sôi động khi thế giới bước vào quá trình toàn cầu hoá kinh tế. Năm 2024, thị trường M&A được dự đoán có nhiều tiềm năng bứt phá sau một năm có xu hướng hạ nhiệt. Để nắm bắt kịp thời những cơ hội kinh tế, bên cạnh những chiến lược kinh doanh, nhà đầu tư cần quan tâm tới hành lang pháp lý điều chỉnh trong từng quy trình của hoạt động này. Bài viết dưới đây nhằm cung cấp quy trình tổng quan về thương vụ M&A, giúp cho các doanh nghiệp có cái nhìn bản chất và phương án thực thi hiệu quả để tiến tới thương vụ M&A thành công.


Xem chi tiết tại đây: https://s.pro.vn/12an


 

M&A là tên viết tắt của cụm từ Mergers (Sáp nhập) và Acquisitions (Mua lại). M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua các hình thức là Hợp nhất, Sáp nhập và Mua lại.  Bàn về khái niệm này, pháp luật Việt Nam có một số quy định được ghi nhận tại Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Cạnh tranh 2018. 

Thứ nhất, tại Luật Doanh nghiệp 2020, khái niệm Sáp nhập được ghi nhận tại khoản 1, điều 201: “Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.” Có thể thấy rằng, tại Luật Doanh nghiệp, sự sáp nhập thường được điều chỉnh để đảm bảo sự hợp pháp và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan đến doanh nghiệp. Mặt khác, trong Luật Cạnh tranh, sự sáp nhập thường được quan sát chặt chẽ để ngăn chặn các hành vi độc quyền và bảo vệ tính công bằng trong cạnh tranh:“Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.” (Khoản 2, điều 29, Luật Cạnh tranh 2018) 

Thứ hai, bên cạnh Sáp nhập, Hợp nhất cũng là một khái niệm cần được bàn luận. Định nghĩa về khái niệm này giữa Luật Cạnh tranh 2018 và Luật Doanh nghiệp 2020 về cơ bản là thống nhất. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh tập trung vào việc đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động hợp nhất doanh nghiệp, được quy định cụ thể ở khoản 3, điều 29 như sau: Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.” Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện hợp nhất để phát triển: Hai hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (sau đây gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.” (Khoản 1, điều 200, Luật Doanh nghiệp 2020) 

Cuối cùng, một khái niệm cũng cần lưu ý liên quan thuật ngữ M&A chính là Mua lại. Luật Cạnh tranh 2018 quy định cụ thể về vấn đề này tại khoản 4, điều 29: “Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.” Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 không đề cập cụ thể về khái niệm mua lại doanh nghiệp mà chỉ nhắc tới một vài quy định liên quan đến người mua doanh nghiệp ở điều 192. 


Để hiểu rõ hơn về ba hình thức này, ta sẽ phân biệt chúng dựa trên hậu quả pháp lý. Về hợp nhất doanh nghiệp, sau khi hợp nhất sẽ tạo ra một công ty mới và đồng thời chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của các công ty bị hợp nhất; công ty hợp nhất được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của các công ty bị hợp nhất ; đồng thời kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty bị hợp nhất theo hợp đồng hợp nhất công ty (Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2020). 

Tiếp đến là vấn đề sáp nhập, sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập. 

Và, với việc mua lại, dựa vào khoản 4, điều 29 luật Cạnh tranh 2018, có thể hiểu, việc mua lại doanh nghiệp tạo ra các hệ quả pháp lý chủ yếu như: bên mua giành được quyền kiểm soát doanh nghiệp; không hình thành nên một pháp nhân mới, mà bên bán sẽ chấm dứt hoạt động đối với phần doanh nghiệp bị mua lại hoặc trở thành công ty con của bên mua. 

Như vậy, trong khi Luật Doanh nghiệp 2020 mang tính chất là luật “mở đường”, dừng lại ở việc trao quyền cho các chủ sở hữu doanh nghiệp được thực hiện giao kết hợp đồng mua bán và sáp nhập thì Luật Cạnh tranh 2018 lại quan tâm đến khả năng kiểm soát, chi phối của doanh nghiệp sau khi ký kết hợp đồng ấy. 

 

Các giai đoạn của một thương vụ M&A và căn cứ pháp lý điều chỉnh

1. Giai đoạn chuẩn bị - Tiền M&A:

Giai đoạn chuẩn bị cho một giao dịch M&A giữ vai trò quyết định kết quả của thương vụ M&A: Đối với bên bán, lập kế hoạch và chuẩn bị kỹ càng là yếu tổ quyết định thành công của giao dịch; Đối với bên mua, quá trình tìm hiểu và đánh giá đối tượng mua lại quyết định việc các bên có tiến đến được giai đoạn giao dịch chính thức hay không. 

Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, các hoạt động tìm kiếm, tiếp cận và đánh giá đối tượng mục tiêu có thể tạm chia thành hai bước dưới đây.

Bước một, tiếp cận đối tượng mục tiêu

Doanh nghiệp (bên mua) có thể tiếp cận đối tượng mục tiêu (bên bán) bằng cách tự tìm kiếm trong mạng lưới thông tin của mình, hoặc thông qua các đơn vị tư vấn, tổ chức môi giới trong cùng lĩnh vực đầu tư kinh doanh hoặc các đơn vị chuyên tư vấn M&A. Ở bước này, doanh nghiệp cần tiến hành đánh giá sơ bộ các yếu tố như: Đối tượng mục tiêu có hoạt động trong lĩnh vực phù hợp với định hướng doanh nghiệp hay không? Đối tượng mục tiêu có quy mô dài hạn hay trung hạn; có nguồn khách hàng, đối tác đã định hình trên thị trường mà doanh nghiệp có thể tiếp tục khai thác được hay không? Đối tượng mục tiêu có lợi thế về đất đai, hạ tầng, cơ sở vật chất có sẵn, có thể tận dụng để giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu hay không? 

Một vấn đề pháp lý có thể phát sinh trong giai đoạn này đó là thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu. Trong đó, khái niệm bí mật kinh doanh được quy định tại khoản 23, điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ 2005: “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.” Với bí mật kinh doanh, chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt theo quy định của pháp luật. Tại mục 4, nghị định  75/2019/NĐ-CP quy định rằng khi phát hiện có chủ thể sử dụng trái phép bí mật kinh doanh của mình; chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi và bồi thường thiệt hại là hậu quả của hành vi vi phạm; hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có biện pháp xử lý như phạt tiền; tịch thu tang vật hay các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về cạnh tranh và sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn, với hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng. 

Do vậy, nhằm hạn chế những rủi ro về mặt pháp lý, các công ty thực hiện việc sáp nhập phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Cạnh tranh 2018 về sáp nhập công ty.

Bước hai, báo cáo thẩm định 

Dựa trên các đánh giá sơ bộ ở bước thứ nhất, doanh nghiệp sẽ tiến hành thuê các đơn vị tư vấn pháp lý và tư vấn tài chính chuyên nghiệp để đánh giá tổng thể đối tượng mục tiêu trước khi đưa ra quyết định về việc thâu tóm. Trên thực tế, thông thường các bên có thể ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin trước khi Bên mua được tiếp cận dữ liệu thông tin của Bên bán.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn này, tuỳ từng đối tượng mục tiêu và nhu cầu mà doanh nghiệp thường tổ chức đánh giá một trong hai hoặc cả hai loại sau: 

Thứ nhất là báo cáo thẩm định tài chính (Financial Due Diligence). Đối với loại báo cáo này, doanh nghiệp cần tập trung kiểm tra việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán, chuyển nhượng vốn, trích lập dự phòng, các khoản vay từ tổ chức và cá nhân, tính ổn định của luồng tiền (có tính đến chu kỳ kinh doanh), kiểm tra khấu hao tài sản hay khả năng thu hồi công nợ. 

Thứ hai là báo cáo thẩm định pháp lý (Legal Due Diligence). Ở đây, doanh nghiệp cần tập trung đánh giá toàn bộ và chi tiết các vấn đề pháp lý liên quan đến tư cách pháp nhân, tình hình góp vốn và tư cách của các cổ đông hay các quyền và nghĩa vụ pháp lý của đối tượng mục tiêu. 

Mặc dù chỉ thuộc một khâu trong tổng thể quy trình một M&A, tuy nhiên kết quả của báo cáo thẩm định chi tiết lại giữ vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu rõ về tổng thể các vấn đề cần phải đối mặt trong suốt quá trình thâu tóm và tái tổ chức doanh nghiệp.

 bước báo cáo thẩm định, những bí mật kinh doanh cần được bảo mật tiếp tục được đề cao. Do vậy, việc ký kết thỏa thuận bảo mật thông tin là một công cụ pháp lý quan trọng giữa các bên liên quan, nhằm bảo vệ thông tin quan trọng và nhạy cảm liên quan đến giao dịch. Bộ luật Dân sự 2015 ghi nhận về nghĩa vụ bảo mật thông tin trong quá trình giao kết hợp đồng tại khoản 1, điều 387:“Trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp nhận giao kết hợp đồng của bên kia thì phải thông báo cho bên kia biết.”, và khoản 2 điều 387: “Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật khác.” 

Pháp luật hiện hành không quy định rõ ràng về những thông tin cần bảo mật. Tuy nhiên, trong thực tiễn, những thông tin sau đây thông thường sẽ được xem là thông tin bảo mật: thông tin về cuộc đàm phán; thỏa thuận về giao dịch dự kiến; nội dung của giao dịch dự kiến; các thông tin cơ bản như: thông tin thương mại, kinh doanh, tài chính, kỹ thuật, pháp lý; các thông tin khác mà bên tiết lộ thông tin cung cấp liên quan đến tài sản giao dịch, bao gồm: Dữ liệu tài chính, kế hoạch và quy trình phát triển sản phẩm và tiếp thị, bí mật thương mại, thông tin nhân sự, dữ liệu khác.

Bảo mật thông tin và đảm bảo tính bảo mật trong quá trình M&A là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua. Bằng cách tuân thủ và thực hiện thỏa thuận bảo mật một cách nghiêm túc và cẩn thận, chúng ta có thể đạt được thành công và tạo ra giá trị bền vững.

Ngoài ra, trong quá trình thẩm định pháp lý, một vài những vấn đề về doanh nghiệp cần được xem xét như vấn đề tài sản của doanh nghiệp, vấn đề số liệu tài chính của doanh nghiệp, vấn đề tổ chức doanh nghiệp (quyết định thành lập doanh nghiệp hay giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) 

2. Ký kết M&A - Giai đoạn đàm phán, thực hiện giao dịch

2.1. Đàm phán và ký kết M&A

Dựa trên kết quả thẩm định chi tiết, doanh nghiệp xác định được loại giao dịch mục tiêu là thâu tóm toàn bộ hay thâu tóm một phần, làm cơ sở để đàm phán nội dung M&A. Một số vấn đề cần lưu ý ở giai đoạn này như sau:

Thứ nhất, Bên mua và Bên bán cần phải hiểu biết về các loại hình và biến thể của hình thức giao dịch M&A để đàm phán các nội dung cho phù hợp và hiệu quả. Thực tế, M&A luôn được đặt song hành nhưng lại có bản chất khác nhau: Với Merger (Sáp nhập), công ty bị mua lại không còn tồn tại, bị thâu tóm hoàn toàn bởi bên bán; bù lại, với Acquisition (Mua lại), hai bên đồng thuận hợp nhất lại thành một công ty mới thay vì hoạt động và sở hữu riêng. 

Thứ hai, Bên mua và Bên bán không thể gặp nhau ở giá của giao dịch: nghịch lý M&A thường xuyên được nhắc đến bởi Bên mua thì chào giá quá cao còn Bên bán chỉ chấp nhận được ở mức thấp. Để giải quyết vấn đề này, các bên trong giao dịch M&A có xu hướng thuê một đơn vị thẩm định giá độc lập để xác định giá trị của bên mua.

Sản phẩm của giai đoạn này là một hợp đồng ghi nhận hình thức, giá, nội dung của thương vụ M&A. Hợp đồng M&A là sự thể hiện và ghi nhận những cam kết của các bên đối với giao dịch, vừa đề cập đến khía cạnh pháp lý, vừa ghi nhận cơ chế phối hợp một cách hài hòa các yếu tố có liên quan đến giao dịch M&A khác như tài chính, lao động, quản lý, phát triển thị trường. Hay nói một cách khác, Hợp đồng M&A cần phải được thiết kế để trở thành công cụ bảo đảm quyền lợi cho các bên tham gia giao dịch cho đến hậu M&A.

2.2. Thủ tục pháp lý ghi nhận M&A

Việc thâu tóm một doanh nghiệp của Bên mua chỉ được pháp luật công nhận khi đã hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến việc ghi nhận sự chuyển giao từ Bên bán sang Bên mua, đặc biệt với các loại tài sản, quyền phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Khi hoàn thành bước này, một thương vụ M&A có thể được xem như kết thúc và hoàn thành. 

Quy định về thủ tục hợp nhất doanh nghiệp được ghi nhận tại khoản 2, điều 200 và khoản 2, điều 201, Luật Doanh nghiệp 2020. Bên cạnh đó, ở khoản 2, điều 61 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ của việc đăng ký doanh nghiệp và quy định của phòng đăng ký kinh doanh bao gồm: 

Thứ nhất, hợp đồng sáp nhập theo quy định tại Điều 201 Luật doanh nghiệp năm 2020

Thứ hai, Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty nhận sáp nhập;

Thứ ba, Nghị quyết, quyết định về việc thông qua hợp đồng sáp nhập và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thông qua hợp đồng sáp nhập của công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên, cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hoặc cổ phần có quyền biểu quyết đối với công ty cổ phần của công ty bị sáp nhập.

3. Hậu M&A - Giai đoạn tái cơ cấu doanh nghiệp: 

Giai đoạn tái cấu trúc doanh nghiệp hậu M&A là bài toán đặt ra với Bên mua về việc không để M&A đổ vỡ. Các thử thách của Bên mua trong giai đoạn này thường là các bất ổn về nhân sự hay bất động trong chính sách quản lý. 

Thứ nhất, về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp 

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty được thành lập trên cơ sở hợp nhất công ty được quy định tại điều 25 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Đối với sáp nhập doanh nghiệp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận sáp nhập phải có các giấy tờ tương ứng quy định tại Chương VI và Khoản 2 Điều 61 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

Thứ hai, về vấn đề trách nhiệm 

Khoản 4, điều 200 và khoản 2c, điều 201 luật Doanh nghiệp 2020 đều quy định rất rõ về trách nhiệm kế thừa cả nghĩa vụ và quyền lợi. Dù doanh nghiệp có thay đổi chủ sở hữu, loại hình hay chấm dứt hoạt động do bị hợp nhất, sáp nhập, thì doanh nghiệp kế thừa vẫn phải chịu toàn bộ nghĩa vụ của doanh nghiệp cũ.

Thứ ba, về vấn đề thu hồi các khoản công nợ 

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, chỉ giao dịch lớn trên 35% (Luật 2005 là 50%) tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, thì mới phải thông qua HĐQT hay hội đồng thành viên. Nhưng để giảm thiểu nguy cơ không sẵn sàng gánh chịu trách nhiệm như trên, các đối tác, nhất là ngân hàng, thường đòi hỏi doanh nghiệp phải thông qua HĐQT, bất kể giao dịch đó lớn hay bé. 

Thứ tư, về vấn đề nhân sự

Bộ luật Lao động 2019 quy định, các doanh nghiệp khi tiến hành giao dịch M&A thì phải sử dụng nguồn lao động hiện có. Người sử dụng lao động kế tiếp, nếu sử dụng hết số lao động hiện có thì có thể bổ sung hợp đồng lao động sao cho phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần sự đồng ý của người lao động về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động. Nếu doanh nghiệp không sử dụng hết nguồn lao động có sẵn, buộc phải cắt giảm số lượng, thì người sử dụng lao động kế tiếp cần tiến hành xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động.


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hoàng Duy, “Hậu M&A - cẩn trọng với rủi ro pháp lý”, 06/08/2015, Đầu tư chứng khoán - Chuyên trang của Báo đầu tư, xem tại: 

[2] Trần Dương - Đăng Công, “Quy định pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh trong các giao dịch M&A”, 19/04/2024, Tạp chí điện tử pháp lý, xem tại: https://phaply.net.vn/quy-dinh-phap-luat-ve-hanh-vi-canh-tranh-khong-lanh-manh-va-viec-tuan-thu-phap-luat-canh-tranh-trong-cac-giao-dich-manda-a255837.html [Truy cập ngày 01/05/2024]

[3] Phạm Thị Thoa, “Thẩm định pháp lý cho doanh nghiệp”, 21/12/2013, Apolat Legal, xem tại: 

[4] Trần Thanh Tùng, “Mua bán, sáp nhập và dịch vụ điều tra chi tiết”, 07/04/2012, Tạp chí Tài chính, xem tại: https://tapchitaichinh.vn/mua-ban-sap-nhap-va-dich-vu-dieu-tra-chi-tiet.html [ Truy cập ngày 03/04/2024]

[5] “Bảo mật thông tin trong giao dịch M&A”, xem tại: 

[6] Luật Sở hữu trí tuệ 2005

[7] Luật Dân sự 2015 

[8] Luật Cạnh tranh 2018

[9] Luật Lao động 2019

[10] Luật Doanh nghiệp 2020

[11] Nghị định 01/2021 NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp



Yorumlar


bottom of page