top of page
CLB Nhà tư vấn Luật

Giải quyết khó khăn trong tìm kiếm tài liệu khi tham gia nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động không quá mới lạ với các bạn sinh viên. Tuy vậy, thật không dễ cho các bạn sinh viên để có thể hoàn thành được một đề tài nghiên cứu khoa học khi gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Một trong số đó chính là bước tìm kiếm tài liệu, công đoạn đầu tiên cho bài viết nghiên cứu khoa học. Bài viết này sẽ gợi ý cho các bạn sinh viên một số kỹ năng trong quá trình tìm kiếm tài liệu.



Tại sao tìm kiếm và chọn lọc tài liệu đóng vai trò then chốt trong nghiên cứu khoa học?

Tài liệu tham khảo đóng một vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết với bất kỳ bài viết nghiên cứu khoa học nào. Để tìm được các nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cũng như độ tin cậy cao không hề đơn giản, nhất là đối với sinh viên. Để giải quyết những vấn đề này, người nghiên cứu khoa học phải thật sự làm chủ kỹ năng tìm kiếm, chọn lọc nguồn tài liệu và nâng cao yêu cầu khoa học đối với việc nghiên cứu tài liệu.





Có những khó khăn nào trong việc tìm kiếm tài liệu?

Hầu hết các bạn sinh viên, nhất là những sinh viên lần đầu tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học đều gặp phải những khó khăn nhất định trong quá trình tìm kiếm tài liệu.


Đầu tiên phải kể đến là khó khăn khi tra cứu tài liệu bằng tiếng Anh. Thực tế chỉ ra rằng, trong những bài nghiên cứu khoa học của sinh viên, việc sử dụng những tài liệu được viết bằng tiếng Anh vẫn còn là khá hạn chế. Điều này cũng dễ hiểu khi một phần các bạn sinh viên chưa thực sự biết cách tiếp cận nguồn tài liệu này, một phần cũng là bởi vấn đề dịch thuật. Rất nhiều sinh viên gặp phải khó khăn khi diễn đạt lại sao cho sát nhất với ý của tác giả do không thể đưa những thuật ngữ pháp lý về tiếng Việt.


Tiếp đến, một khó khăn mà các bạn sinh viên gặp phải là tìm kiếm được nguồn tài liệu uy tín. Không phải tài liệu nào cũng đáng tin cậy hoàn toàn và được kiểm chứng kỹ càng. Tuy vậy, thật khó để các bạn sinh viên có thể tự mình nhận định được độ uy tín của nguồn tài liệu mà mình tìm kiếm được.




Khi đã có trong tay những tài liệu mà mình cần, sinh viên còn phải rất khó khăn để chọc lọc và sử dụng nguồn tài liệu đã tìm được. Nhiều bạn sinh viên khi chưa có sự hướng dẫn mà bắt tay vào làm ngay sẽ cảm thấy cực kỳ vất vả để có thể xử lý tài liệu và tổng hợp thông tin. Đôi khi, các bạn còn mắc phải sự mâu thuẫn trong quan điểm của cùng một vấn đề ở nhiều tài liệu khác nhau. Để có thể làm được điều này, người tham gia nghiên cứu phải nắm chắc kỹ năng và có kinh nghiệm, nhưng đó lại là những thứ mà sinh viên đang thiếu.

“Phao cứu sinh” nào cho sinh viên trong vấn đề này?


Sử dụng từ khóa

Đối với việc tìm kiếm tài liệu trên những công cụ tìm kiếm trực tuyến như Google, sinh viên có lẽ đã quá quen thuộc và hầu như không gặp bất kỳ khó khăn nào khi thực hiện các thao tác. Tuy vậy, để có thể tìm kiếm hiệu quả hơn và nhằm tiết kiệm được thời gian, sinh viên sẽ phải biết cách sử dụng những từ khóa quan trọng của đề tài mình lựa chọn. Sinh viên cần nắm rõ các nội dung, khái niệm và tìm ra những từ khóa quan trọng trong đó. Qua đó, các bạn có thể dễ dàng tiếp cận với những tài liệu cần thiết cho bài viết của mình.





Một mẹo nhỏ cho các bạn sinh viên là dùng dấu ngoặc kép " " nếu muốn tìm chính xác từ, cụm từ và câu; sử dụng công cụ mở rộng chọn thời gian của bài đăng, nên sử dụng những tài liệu 5-7 năm trở lại thời điểm viết bài để có tính cập nhật.


Tham khảo các bài viết liên quan

Đây sẽ là một cách thức cực kỳ hiệu quả dành cho những sinh viên chưa tìm được nguồn tài liệu. Sinh viên sẽ cần phân tích rõ đề tài mà mình lựa chọn, tìm tài liệu về những nội dung mình cần tìm hiểu, những nội dung bao hàm đề tài nghiên cứu. Từ tài liệu đó sinh viên có thể tìm thêm những tài liệu khác trùng với chủ đề nghiên cứu. Bằng cách này, sinh viên sẽ tìm được rất nhiều tài liệu, đặc biệt là tài liệu viết bằng tiếng Anh.

Ví dụ với một bài nghiên cứu khoa học về đề tài Giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) chúng ta có thể tham khảo những tài liệu về Giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) bởi lẽ khái niệm ODR được được ra đời dựa trên phương thức ADR.


Khái niệm tương đương

Các sinh viên Luật sẽ cần nắm rõ nội dung của đề tài mình lựa chọn, rồi hiểu được bản chất pháp lý của các thuật ngữ liên quan, từ đó sẽ biết được vấn đề này ở Việt Nam sẽ tương đương với khái niệm nào ở nước ngoài, và sẽ có những vấn đề không có khái niệm tương đương. Dựa vào đây sinh viên sẽ tìm kiếm được những tài liệu cần thiết cho đề tài của mình.

Sinh viên cần lưu ý tránh dịch thẳng từ tài liệu tiếng Anh về tiếng Việt mà cần phải đọc, hiểu rõ ý tác giả và nắm rõ các thuật ngữ pháp lý được sử dụng.




Nhờ đến sự hỗ trợ của giảng viên

Tâm lý chung của rất nhiều sinh viên là rất ngại nhờ đến sự hỗ trợ của giảng viên, các bạn còn chưa chủ động, mạnh dạn ngỏ lời xin trợ giúp. Tuy vậy, chỉ mình sinh viên có lẽ là không đủ để có thể hoàn thiện bài nghiên cứu khoa học một cách tốt nhất, nhất là bước tìm kiếm tài liệu. Vì vậy, có sự hỗ trợ của giảng viên là điều cực kỳ cần thiết trong quá trình thực hiện nghiên cứu. Giảng viên có thể hướng dẫn các sinh viên tìm những nguồn tài liệu uy tín, gợi ý các bài viết tham khảo hoặc định hướng cho sinh viên trong việc tổng hợp và chọn lọc tài liệu. Sự đồng hành hành của giảng viên sẽ giúp ích khá nhiều trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học của các bạn sinh viên.




Các nguồn tài liệu dành cho sinh viên Luật tham gia nghiên cứu khoa học

Sinh viên Luật có thể tìm cho mình tài liệu trên Google scholar, ResearchGate, Microsoft Academic Search, Highwire Press, trang thông tin pháp luật dân sự, các trang tạp chí như nghiên cứu lập pháp, khoa học kiểm sát, tạp chí luật học, trang thư viện pháp luật,...


Tiến Dũng - Hoàng Hà

Nguồn ảnh: Internet


Comments


bottom of page