top of page

Diffusion of Responsibility - Sự phân tán trách nhiệm

Một bác sĩ nọ khi đang đi bộ quanh hồ Michigan liền bắt gặp một đám đông đang vây quanh một người đàn ông trung niên. Người đàn ông đó nằm ngửa trên mặt đất, hoàn toàn bất động; có hai người khác đang quỳ bên cạnh và lắc mạnh, muốn bằng cách đó giúp người đàn ông đó tỉnh lại.

Vị bác sĩ liền hỏi họ: “ Chuyện gì đã xảy ra vậy?”

“ Ông ấy bị ngã.” Một người phụ nữ trả lời.

“ Có ai chứng kiến không?”

Người phụ nữ gật đầu.

“ Ông ấy đang đi bộ về phía này rồi đột nhiên bị trượt ngã hay làm sao đó… Tôi cũng không rõ. Nhưng sau đó, ông ấy liền như vậy.”

Vị bác sĩ chen qua đám đông, ngồi xuống kiểm tra xem người đàn ông có còn thở hay không. Ông ấy đang ngừng thở. Trên người cũng không có bất kì giấy tờ chứng minh thân phận nào.

“ Đã ai gọi 911 chưa?” Vị bác sĩ lên tiếng hỏi.

Đám đông đứng xung quanh hoàn toàn yên lặng.


Tại sao họ lại yên lặng?


Đó không phải là một đám đông độc ác cảm thấy vui mừng khi người đàn ông trung niên đó bị đột quỵ. Trên thực tế, đó đều là những người lạ qua đường; trong số đó, ngoài người phụ nữ nói chuyện với vị bác sĩ nọ, rất nhiều người khác cũng bắt gặp cảnh người đàn ông ngã xuống. Có thể chắc chắn được một điều rằng, họ có quan tâm đến chuyện này. Ít nhất thì hai người trong số đó đã không hoàn toàn đầu hàng trước cú sốc khi bỗng nhiên thấy một người ngã xuống và bất tỉnh; họ đã tìm cách để khiến người đàn ông đó tỉnh lại, dù không có tác dụng. Nhưng có vẻ như không một ai đã làm được điều quan trọng nhất - điều có lẽ sẽ tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và cái chết cho người đàn ông ấy: gọi 911.

Đa số mọi người đều cho rằng, khi xảy ra chuyện, càng nhiều người có mặt, khả năng người bị hại nhận được trợ giúp càng lớn. Thực tế ngược lại, sự tồn tại của những người chứng kiến khác sẽ hạn chế hành động giúp người của một cá nhân. Người càng đông, con người sẽ càng có khuynh hướng khoanh tay đứng nhìn. Đó là vì họ đều nghĩ rằng một giây sau sẽ có người khác trợ giúp.




Hiện tượng này, theo ngôn ngữ khoa học, được gọi là The Diffusion of Responsibility – sự phân tán trách nhiệm. Nói đơn giản là, khi một công việc gì đó được đặt ra cho một nhóm người, khả năng cao là mọi người đều cho rằng sẽ có ai đó nhận trách nhiệm chứ không phải mình, vì vậy không ai làm cả.


Hai nhà tâm lý học người Mỹ John Darley và Bibb Latané đã đưa ra thuật ngữ khoa học này khi thực hiện một nghiên cứu xuất phát từ một trong những vụ án nổi tiếng trong lịch sự nước Mỹ - vụ án Kitty Genovese, được đăng tải lần đầu tiên trên Thời báo New Yorks với tiêu đề “37 nhân chứng không báo cảnh sát khi chứng kiến vụ sát hại”. Lời giải thích có thể được coi là phù hợp nhất cho việc tại sao không một người hàng xóm nào của nạn nhân Kitty Genovese can thiệp hay thậm chí là gọi cảnh sát trong khi cô đang bị tấn công tại sân của một tòa nhà ở thành phố New York là “bystander effect” – hiệu ứng bàng quan trong tâm lý học xã hội, mà nguyên nhân trực tiếp tạo nên hiệu ứng này chính là sự phân tán trách nhiệm.


Khoa học đã chứng minh sự phân tán trách nhiệm nảy sinh từ nhiều nguyên nhân; trong đó, hai nguyên nhân cơ bản và rõ thấy nhất chính là sự thiếu trách nhiệm cá nhân và xu hướng đi tìm người chỉ dẫn. Như đã đề cập bên trên, có một sự khác biệt lớn giữa khi chúng ta là người duy nhất có mặt và khi có nhiều người khác có mặt. Hầu hết chúng ta đều cho rằng, trong môi trường công cộng, chúng ta không nhất thiết phải có trách nhiệm và hành động. "Có những người khác ở đây, họ sẽ có thể làm điều đó”, đây chính là suy nghĩ của đại đa số chúng ta trong những tình huống như vậy. Trong khá nhiều trường hợp, chúng ta có thể biết mình cần phải làm gì nhưng lại nghi ngờ hành động của bản thân. Chúng ta tự hỏi bản thân liệu sẽ có một người khác trong đám đông biết rõ hơn chúng ta về những gì đang xảy ra, hoặc biết mình cần phải làm gì trong những trường hợp đó hay không. Điều này rất dễ bắt gặp trong cuộc sống thường ngày của chúng ta; ví dụ như khi học tập hoặc làm việc theo nhóm, đa số chúng ta đều có xu hướng chờ đợi một người tiên phong làm trưởng nhóm để hướng dẫn, chỉ đạo các thành viên trong nhóm hoàn thành công việc.


Chúng làm nảy sinh một yếu tố mà nhiều người trong số chúng ta có thể có mong muốn tìm kiếm khi hành động của họ dẫn đến những hậu quả mang tính tiêu cực - sự giảm thiểu cảm giác tội lỗi. Tuy một số người có thể sẽ cảm thấy một chút tội lỗi vì đã không nhận trách nhiệm hành động, việc đổ lỗi một phần hoặc hoàn toàn cho những người xung quanh lại vô cùng dễ dàng. Khi chúng ta cảm thấy không phải chỉ chúng ta mà còn có những người khác phải chịu trách nhiệm, chúng ta sẽ mặc định cho rằng kết quả của hành động đó sẽ không tuỳ thuộc vào chúng ta, mà còn tuỳ thuộc cả vào họ nữa. Đã có nhiều nghiên cứu xem xét yếu tố này chủ yếu trên phương diện cách các cá nhân xác định trách nhiệm của chính họ trước một kết quả. Ví dụ như, Mynatt và Sherman (1975) đã chỉ ra rằng những người chịu trách nhiệm tư vấn cho một doanh nghiệp cảm thấy bản thân có ít trách nhiệm hơn đối với sự thất bại của doanh nghiệp đó nếu họ tư vấn cho doanh nghiệp đó cùng với một nhóm đồng nghiệp thay vì tư vấn một mình. Do đó, chúng ta có thể đưa ra một kết luận trực tiếp rằng, một cá nhân sẽ cảm thấy ít có trách nhiệm hơn về kết quả tiêu cực gây ra khi hành động theo nhóm hơn là khi chỉ cá nhân đó là yếu tố quyết định.


Một số giả thuyết liên quan đến sự phân tán trách nhiệm được đưa ra về việc liệu có thể áp dụng được lý thuyết “sự giảm thiểu cảm giác tội lỗi” trong các tình huống mà một người cần phải đưa ra phán quyết về trách nhiệm của các cá nhân khác hay không, cụ thể như việc quyết định liệu các cá nhân hành động một mình có phải chịu trách nhiệm cao hơn những cá nhân hành động theo nhóm. Điều này có vẻ có liên quan đặc biệt đến các bản án được đưa ra tại các cơ quan tư pháp về mức độ trách nhiệm pháp lý mà người phạm tội phải gánh chịu. Tại nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới, một tội phạm được tiến hành đơn lẻ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý nặng hơn một tội phạm được thực hiện với cùng hành vi tương tự nhưng theo nhóm. Ngược lại, hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ lại hoàn toàn phủ nhận điều này; theo truyền thống pháp luật của quốc gia này, các cá nhân tham gia thực hiện hành vi phạm tội đều phải chịu trách nhiệm pháp lý như nhau đối với kết quả của hành vi, bất kể số lượng cá nhân tham gia (Hart & Honore, 1959). Thú vị hơn nữa, pháp luật hình sự của Việt Nam quy định việc thực hiện tội phạm có tổ chức là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.


Việc hiểu về nguyên lý của hiệu ứng phân tán trách nhiệm sẽ giúp chúng ta giải thích được những sự không hành động mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày, đồng thời cũng giúp chúng ta tìm ra hướng giải quyết. Điều quan trọng nhất là cần phải khiến những người cần thay đổi cảm thấy bản thân có trách nhiệm cá nhân trong việc giải quyết các vấn đề mà họ cho rằng đó không phải là vấn đề của mình. Trong trường hợp cụ thể, nếu không may gặp chuyện, chúng ta cần phải kêu cứu có mục tiêu, chọn một người đang chú ý tới vụ việc giữa đám đông, có thể lực và tốt nhất là có bạn đi cùng. Hãy chỉ định người đó giúp đỡ, yêu cầu người đó kêu gọi mọi người cùng cứu giúp.


Vị bác sĩ trong câu chuyện trên, sau khi đánh giá tình trạng của người đàn ông, liền nhìn thẳng vào người phụ nữ đã trả lời câu hỏi của ông ấy lúc đầu và nói: "Gọi 911 đi. Anh ấy đang không thở." Bằng cách yêu cầu có mục tiêu như vậy, vị bác sĩ đã khiến người phụ nữ cảm thấy là bản thân chứ không phải cá nhân nào khác có trách nhiệm thực hiện công việc mà vị bác sĩ đã yêu cầu. Khoảng năm phút sau, các nhân viên cấp cứu đã có mặt. Họ chỉ phải sốc điện cho người đàn ông hai lần trước khi tim người đàn ông đó đập trở lại. Sau đó, người đàn ông ấy đã làm điều tuyệt vời nhất – nó xảy ra nhanh hơn bất kì những trường hợp nào mà vị bác sĩ nọ từng chứng kiến qua những năm khởi động lại những trái tim đã ngừng đập tại bệnh viện: ông ấy tỉnh dậy.


Hương Linh

Nguồn ảnh: Internet


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Psychology Today, Alex Lickerman M.D. (2010), “The Diffusion of Responsibility - Why assigning responsibility to groups doesn't work”.

Journal of Personality and Social Psychology, Darley, J.M.; Latané, B. (1968), "Bystander intervention in emergencies: diffusion of responsibility", p.8(4): 377–383

New York Times (1964), “37 Who Saw Murder Didn't Call the Police; Apathy at Stabbing of Queens Woman Shocks Inspector”.

Study.com, Social Psychology: Homework Help Resource, “Diffusion of Responsibility: Definition, Theory and Examples”.

Robert S. Feldman and Fred P. Rosen, Law and Human Behavior, Vol. 2, No. 4, Attributions in the Criminal Justice System (1978), “Diffusion of Responsibility in Crime, Punishment, and Other Adversity”, p. 313-322.

Herbert Lionel Adolphus Hart, Tony Honoré (1985), Causation in the Law.

Commentaires


bottom of page