Bảo hiểm nhân thọ hiện đã và đang nhận được sự tín nhiệm từ nhiều gia đình Việt Nam với tư cách như một “chiếc két an toàn” đảm bảo tài chính trong ngắn và dài hạn. Sự đa dạng, linh hoạt của bảo hiểm nhân thọ được cho là sẽ luôn đem lại những quyền lợi nhất định cho bên mua, song vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn những rủi ro cho chính bản thân bên mua. Sự bất lợi này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, đòi hỏi trước hết là hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ, xác thực nhằm tối thiểu hóa mọi nguy cơ quyền lợi của bên mua bảo hiểm bị xâm phạm dẫn đến không thể thực hiện được. Chính vì vậy, việc hiểu rõ thế yếu của bên mua bảo hiểm nhân thọ để từ đó đưa ra giải pháp hợp lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành bảo hiểm nói chung và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ nói riêng tại Việt Nam.
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ BẢO HIỂM NHÂN THỌ
Bảo hiểm nhân thọ tuy không còn xa lạ nhưng khái niệm về bảo hiểm nhân thọ, bản chất của bảo hiểm nhân thọ, các loại hình bảo hiểm hiện nay và quyền lợi bảo hiểm nhân thọ … vẫn còn tương đối mơ hồ với nhiều người. Theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định: Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hay chết.
Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là cách thức dự phòng tài chính an toàn cho tương lai với vai trò như một khoản chi phí hoặc hỗ trợ chi phí khi người tham gia gặp rủi ro bất trắc (quyền lợi bảo hiểm nhân thọ). Chính vì thế bảo hiểm nhân thọ có ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống con người, nó không chỉ giúp ổn định cuộc sống khi rủi ro bất ngờ xảy ra mà còn là cách thức chia sẻ rủi ro trong cộng đồng bằng cách lấy số đông bù số ít.
Dưới nhiều góc độ, bảo hiểm nhân thọ được chia thành các loại khác nhau: theo phương thức tham gia có bảo hiểm cá nhân và bảo hiểm nhóm, theo đối tượng tham gia có bảo hiểm cho con, bảo hiểm cho người trụ cột và bảo hiểm hưu trí. Theo hình thức hợp đồng có bảo hiểm chính và bảo hiểm bổ trợ. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, có 7 loại hình bảo hiểm nhân thọ cơ bản: Bảo hiểm sinh kỳ; Bảo hiểm tử kỳ; Bảo hiểm trọn đời; Bảo hiểm hỗn hợp; Bảo hiểm trả tiền định kỳ; Bảo hiểm liên kết đầu tư; Bảo hiểm hưu trí.
MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP PHÁP LUẬT LUẬT CƠ BẢN VỀ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ
Việc mua bảo hiểm nhân thọ được thực hiện thông qua hợp đồng bảo hiểm con người với các doanh nghiệp bảo hiểm
Hợp đồng bảo hiểm con người được giao kết phải tuân thủ các quy định của pháp luật được quy định tại Mục 1, Mục 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được giao kết sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 và các thỏa thuận khác trong hợp đồng không trái quy định của pháp luật.
Phí bảo hiểm nhân th
Bên mua bảo hiểm có thể đóng phí bảo hiểm một lần hoặc nhiều lần theo thời hạn, phương thức thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới hai năm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm từ hai năm trở lên mà doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng theo quy định trên thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Các bên có thể thỏa thuận khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã bị đơn phương đình chỉ thực hiện trong thời hạn hai năm, kể từ ngày bị đình chỉ và bên mua bảo hiểm đã đóng số phí bảo hiểm còn thiếu.
Trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng hoặc đóng không đủ phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm không được khởi kiện đòi bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm.
Các trường hợp không được trả tiền bảo hiểm
Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực;
Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng;
Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.
Trong những trường hợp trên, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan; nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Trong trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
BẤT LỢI CỦA BÊN MUA BẢO HIỂM TRONG GIAO KẾT HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ
Bất lợi trong thực hiện nghĩa vụ kê khai thông tin của bên mua bảo hiểm trong thời gian thực hiện bảo hiểm
Theo luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, tại điều 19 có quy định rằng nếu một trong hai bên vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin thì bên còn lại có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, với doanh nghiệp bảo hiểm, nghĩa vụ này là giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm. Còn đối với bên mua bảo hiểm, nghĩa vụ này bao gồm:
Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;
Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;
Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành lại chưa quy định rõ căn cứ xác định hành vi cố ý vi phạm nghĩa vụ kê khai thông tin. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, hành vi vi phạm dễ xác định bởi doanh nghiệp bảo hiểm là bên soạn thảo Bộ quy tắc và điều khoản của hợp đồng bảo hiểm, nghĩa vụ cung cấp thông tin của họ chỉ dừng lại ở việc giải thích về hợp đồng và sản phẩm bảo hiểm. Do đó, các thiếu sót có thể được xác định dựa trên hợp đồng bảo hiểm. Trong khi đó, nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm diễn ra trong suốt quá trình thực hiện bảo hiểm với nhiều thông tin cần phải thông báo khi có thay đổi. Trong suốt quá trình đó, bên mua bảo hiểm có thể vô ý không kịp thời cung cấp hoặc có sai sót trong cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm. Đây có thể là căn cứ đề doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm với bên mua bảo hiểm, hoặc từ chối chi trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Việc quy định không rõ ràng này gây ra thiệt thòi với bên mua bảo hiểm, bởi trong đa số các giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua thường ở vị trí yếu thế hơn do không có sự hỗ trợ về mặt pháp lý trong suốt quá trình thực hiện bảo hiểm. Ví dụ như bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ phải thông báo với doanh nghiệp bảo hiểm những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, không có cơ sở để bên mua có thể xác định được trường hợp có thể ảnh hưởng đến trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, do đó, rất khó có thể kết luận việc không thông báo thông tin kịp thời của người mua bảo hiểm có phải là cố ý hay không.
Bất lợi do chưa có quy định cụ thể về bảo hiểm tạm thời
Trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm thường đặt ra quyền lợi “bảo hiểm tạm thời”. Theo đó, bên mua bảo hiểm sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm tạm thời khi thỏa mãn cả hai điều kiện sau:
Thực hiện nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm;
Đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm khoản phí bảo hiểm đầu tiên.
Như vậy, thời hạn của bảo hiểm tạm thời phát sinh khi doanh nghiệp bảo hiểm đóng dấu xác nhận đầy đủ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm hợp lệ và nhận khoản phí bảo hiểm đầu tiên theo thỏa thuận trong hợp đồng. Mỗi doanh nghiệp bảo hiểm quy định có chút khác biệt về thời điểm chấm dứt bảo hiểm tạm thời; hoặc bảo hiểm tạm thời sẽ chấm dứt vào ngày doanh nghiệp bảo hiểm cấp Hợp đồng bảo hiểm; hoặc ngày doanh nghiệp bảo hiểm ban hành văn bản tạm hoãn hoặc từ chối bảo hiểm,...
Tuy nhiên, hiện nay, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không xác định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho giai đoạn tạm thời của hợp đồng bảo hiểm, mà chỉ quy định trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phát sinh kể từ khi hợp đồng bảo hiểm được giao kết hoặc có bằng chứng về sự giao kết đó. Do vậy, quyền lợi bảo hiểm tạm thời được dựa trên nguyên tắc pháp luật dân sự, theo đó thỏa thuận này phát sinh khi đáp ứng đầy đủ điều kiện được quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự. Tuy vậy, quyền lợi bảo hiểm tạm thời vẫn cần tới một quy định cụ thể hơn để tránh những rủi ro pháp lý phát sinh. Một điều rất dễ nhận thấy đó là do bảo hiểm tạm thời thường chỉ được giải thích ngắn gọn trong một điều khoản của hợp đồng bảo hiểm, nên xảy ra tình trạng từ ngữ trong điều khoản thường không được giải thích rõ ràng, dẫn đến những tranh chấp có thể xảy ra sau này.
Bất lợi với trong những trường hợp người mua bảo hiểm không được trả tiền bảo hiểm
Tại khoản 1 Điều 39 Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về những trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải chi trả tiền bảo hiểm như sau:
“a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn hai năm, kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực;
b) Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng;
c) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.”
Ngoài ra, tại khoản 2 điều này cũng quy định: “Trong trường hợp một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.” Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định rõ số tiền thụ hưởng của mỗi người vẫn giữ nguyên theo chỉ định của người mua bảo hiểm hay được hưởng thêm phần của người thụ hưởng bị tước quyền thụ hưởng. Điều này có thể dẫn đến thiệt thòi cho những người thụ hưởng chính đáng.
Bên cạnh đó, khoản 3 điều này quy định: “Trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan; nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.” Cách tính toán giá trị hoàn lại không được quy định hay hướng dẫn bởi các văn bản quy phạm pháp luật, mà thường được quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Thực tế hiện nay cho thấy giá trị hoàn lại thường rất nhỏ so với số tiền mà người mua bảo hiểm đã đóng, cũng như giá trị bảo hiểm đã ký kết. Trong khi đó, không phải tất cả thương tích cố ý của người được bảo hiểm do người thụ hưởng gây ra đều có liên quan đến bên mua bảo hiểm. Do đó, việc chưa quy định rõ cách tính giá trị hoàn lại gây ra thiệt hại rất lớn cho bên mua bảo hiểm.
GIẢI PHÁP BẢO VỆ NGƯỜI MUA BẢO HIỂM
Từ những phân tích trên, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm nên bổ sung thêm những quy định như sau:
Một là, cần bổ sung quy định về căn cứ xác định hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Thực tế cho thấy có rất nhiều tranh chấp hợp đồng bảo hiểm liên quan đến nghĩa vụ khai báo thông tin, do đó, có thể xem xét bổ sung án lệ để làm căn cứ pháp lý, giải thích, bổ sung cho quy định pháp luật về cố ý vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Hai là, quy định rõ những mục bắt buộc cần có trong điều khoản bảo hiểm tạm thời. Quy định rõ việc giải thích từ ngữ, đặc biệt từ ngữ trong phần loại trừ trách nhiệm bảo hiểm của bảo hiểm tạm thời để tránh bất lợi cho bên mua bảo hiểm. Các từ ngữ này phải được giải thích riêng, hoặc được giải thích dựa trên dẫn chiếu đến điều khoản khác trong hợp đồng. Ngoài ra, cũng cần chỉ định nghĩa vụ cung cấp thông tin và điều khoản bảo hiểm tạm thời của doanh nghiệp bảo hiểm với người mua bảo hiểm. Để đảm bảo quyền lợi bên mua, nên quy định: Khi người mua mới nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm đến doanh nghiệp bảo hiểm và chờ thẩm định hồ sơ, thì trước khi đóng khoản phí bảo hiểm đầu tiên, người dự định mua bảo hiểm cần được phía doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp điều khoản bảo hiểm tạm thời và giải thích rõ ràng. Điều này nhằm tránh tình trạng bên mua không nắm được quyền lợi bảo hiểm tạm thời của mình.
Ba là, cần có quy định cụ thể về cách tính số tiền thụ hưởng trong trường hợp không phải tất cả người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm.
Cuối cùng, Quy định thống nhất về cách tính giá trị hoàn lại cũng như mức tối thiểu của giá trị hoàn lại trong các hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm, đặc biệt trong trường hợp nói trên.
Huyền - Nhi
Nguồn ảnh: Internet
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010, năm 2019).
Bộ luật dân sự 2015.
Thanh Lợi, Mua bảo hiểm nhân thọ: Những thông tin cần biết, https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y/29930/mua-bao-hiem-nhan-tho-nhung-thong-tin-can-biet, truy cập lần cuối 07/06/2021.
Bản án 610/2020/DS-PT ngày 30/06/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, https://thuvienphapluat.vn/banan/ban-an/ban-an-6102020dspt-ngay-30062020-ve-tranh-chap-hop-dong-bao-hiem-157223
Comments