top of page

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu: Các vấn đề pháp lý và kiến nghị

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, là hình thức bảo hiểm tương hỗ nhằm mục đích tương trợ và trợ giúp lẫn nhau giữa các chủ tàu thành viên các hiệp hội P&I trên thế giới, ra đời nhằm cung cấp các gói bảo hiểm cho các rủi ro còn bỏ ngỏ mà các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống còn ngần ngại cung cấp. Giống như các nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự khác, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với bên thứ ba. Ở Việt Nam, các chủ tàu đã tham gia bảo hiểm P&I từ khá lâu thông qua hoạt động nhượng tái bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước như Bảo Việt, Bảo Minh… Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh hoạt động bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu tại Việt Nam vẫn còn những hạn chế pháp lý nhất định dẫn tới nhiều tranh chấp vô cùng phức tạp do tính chất đặc thù của nghiệp vụ. Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày những vướng mắc pháp lý liên quan và đưa ra một số kiến nghị.


CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN TỚI HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA CHỦ TÀU

1. Quy định rõ ràng về mối quan hệ và trách nhiệm giữa chủ tàu, người khai thác tàu, thuyền viên và người bảo hiểm

Như ta có thể thấy theo khoản 2 Điều 323 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015, dù bên bảo hiểm được miễn trách nhiệm bồi thường đối với những tổn thất phát sinh ra từ sai lầm của người được bảo hiểm, tuy nhiên vẫn có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp lỗi thuộc về thuyền bộ hoặc hoa tiêu tàu. Trong khi bộ luật đã dành hẳn chương III quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ tàu và thuyền bộ, mối quan hệ trách nhiệm giữa chủ tàu và thuyền bộ, và xa hơn nữa là mối quan hệ trách nhiệm ba bên giữa chủ tàu, thuyền bộ và bên bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Điều này tạo ra một kẽ hở luật pháp cho hành vi trục lợi bảo hiểm: Chủ tàu có toàn quyền bố trí, lựa chọn, điều động thuyền bộ làm việc trên tàu, thuyền bộ làm việc trên tàu về phái ngược lại phụ thuộc và chịu sự quản lý, chỉ đạo của chủ tàu; nếu có hành vi thông đồng giữa chủ tàu và thuyền bộ nhằm trục lợi bảo hiểm, cấu kết với nhau làm giả giấy tờ, chứng cứ theo hướng có lợi cho chủ tàu thì cũng vô cùng khó phát hiện và chứng minh được. (1)Hơn nữa, sự kiện bảo hiểm xảy ra từ sự thông đồng giữa chủ tàu và các thuyền bộ cũng không được bao gồm trong các trường hợp bên bảo hiểm được miễn trừ trách nhiệm bồi thường trong Điều 325 của Bộ luật. Luật kinh doanh bảo hiểm cũng không có quy định nào điều chỉnh liên quan đến vấn đề này. Đây là một trong những vướng mắc chủ chốt trong quá trình thực hiện pháp luật của Tòa án Việt Nam hiện nay.

Quy định này cũng không phù hợp với thông lệ, tp quán bảo hiểm hàng hải quốc tế. Theo điểm f Điều 32.1.5 của Chính sách bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu (Shipowners P&I Policy) của Công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm MS Amlin(2), hoặc Điều 72 thuộc Hướng dẫn của Gard tới các điều khoản 2021 xuất bản bởi Hiệp hội P&I Gard(3), hiệp hội đều không có trách nhiệm đối với tổn thất gây ra bởi hành vi sai trái cố ý của người được bảo hiểm. Dĩ nhiên, rằng các quy định trên được dẫn ra không hoàn toàn giải quyết triệt để mối quan hệ trách nhiệm nêu trên, trên thực tế rất khó xác định được ý chí của người được bảo hiểm hay sự tồn tại của sự thông đồng dẫn tới sự kiện bảo hiểm, tuy nhiên chúng ít nhất cũng đã thể hiện ý chí của nhà làm luật nhằm bảo vệ người bảo hiểm trong những trường hợp bất công.


2. Về hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng trách nhiệm dân sự của bên tham gia bảo hiểm.

Hợp đồng nói chung, hay hợp đồng bảo hiểm nói riêng được giao kết và có hiệu lực trên nguyên tắc các bên tham gia phải hoàn toàn trung thực, và tin tưởng lẫn nhau. Trên thực tiễn áp dụng pháp luật, mặt khác, không phải lúc nào điều kiện lý tưởng trên cũng xảy ra, luôn tồn tại trường hợp một hoặc vài hoặc tất cả các bên có những hành vi không trung thực nhằm trục lợi cho mình. Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm, có lẽ hành vi lừa dối trục lợi bảo hiểm diễn ra đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực nhân thọ, tuy nhiên sự lừa dối này cũng đồng thời diễn ra trên nhiều nghiệp vụ khác của ngành bảo hiểm. Trong trách nhiệm lĩnh vực bảo hiểm hàng hải nói chung và bảo hiểm trách nhiệm dân sự nói riêng, hành vi lừa dối nhằm trục lợi cũng xảy ra tương đối nhiều. Hành vi lừa dối bao gồm cả hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng và hành vi lừa dối trong quá trình thực hiện hợp đồng.


Hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng trách nhiệm dân sự

Hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng trách nhiệm dân sự thường được thực hiện bởi chủ tàu với mục đích được bồi thường với những tổn thất có thể dự đoán trước được dựa trên những thông tin có sẵn, những thông tin được chủ tàu cố ý báo cáo sai lệch tạo thuận lợi giao kết hợp đồng. Hành vi lừa dối này có thể bao gồm: cung cấp không trung thực về độ tuổi của tàu, tình trạng trang thiết bị máy móc trên tàu, giá trị của tàu…

Trên thực tế, cũng có trường hợp lỗi không hoàn toàn thuộc về chủ tàu mà bị gây ra bởi sự thiếu nghiêm túc, đánh giá khách quan của các cơ quan chức năng trong việc xác nhận, cấp giấy chứng nhận an toàn cho tàu, cấp các chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên. Nguyên nhân của sự cẩu thả này có thể được giải thích bằng trình độ của chính cơ quan chức năng, hoặc các nhân tố bên ngoài khác như tiền bạc, thân quen, hay lợi ích kinh tế riêng. Mặt khác, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể hoàn toàn tin tưởng vào sự chứng nhận của các cơ quan khác trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm do các doanh nghiệp gần như không có thời gian, tiền bạc hay kinh nghiệm, trình độ để có thể xác nhận sự an toàn của tàu hay kiểm định chuyên môn thuyền viên. Hành vi này của các cơ quan rất nguy hiểm, không tạo ra thế bất công cho doanh nghiệp bảo hiểm mà mặt khác gián tiếp gây thiệt hại cho các bên liên quan tới quá trình vận chuyển và lưu thông của các con tàu chưa đạt đủ chất lượng và kém an toàn(4).


Hành vi lừa dối trong quá trình thực hiện hợp đồng trách nhiệm dân sự

Hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng trách nhiệm dân sự thường được thực hiện bởi chủ tàu với mục đích được bồi thường với những tổn thất có thể dự đoán trước được dựa trên những thông tin có sẵn, những thông tin được chủ tàu cố ý báo cáo sai lệch tạo thuận lợi giao kết hợp đồng. Hành vi lừa dối này có thể bao gồm: cung cấp không trung thực về độ tuổi của tàu, tình trạng trang thiết bị máy móc trên tàu, giá trị của tàu…

Trên thực tế, cũng có trường hợp lỗi không hoàn toàn thuộc về chủ tàu mà bị gây ra bởi sự thiếu nghiêm túc, đánh giá khách quan của các cơ quan chức năng trong việc xác nhận, cấp giấy chứng nhận an toàn cho tàu, cấp các chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên. Nguyên nhân của sự cẩu thả này có thể được giải thích bằng trình độ của chính cơ quan chức năng, hoặc các nhân tố bên ngoài khác như tiền bạc, thân quen, hay lợi ích kinh tế riêng. Mặt khác, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có thể hoàn toàn tin tưởng vào sự chứng nhận của các cơ quan khác trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm do các doanh nghiệp gần như không có thời gian, tiền bạc hay kinh nghiệm, trình độ để có thể xác nhận sự an toàn của tàu hay kiểm định chuyên môn thuyền vên. Hành vi này của các cơ quan rất nguy hiểm, không tạo ra thế bất công cho doanh nghiệp bảo hiểm mà mặt khác gián tiếp gây thiệt hại cho các bên liên quan tới quá trình vận chuyển và lưu thông của các con tàu chưa đạt đủ chất lượng và kém an toàn.


Hành vi lừa dối trong quá trình thực hiện hợp đồng trách nhiệm dân sự

Trong quá trình thực hiện hợp đồng trách nhiệm dân sự, nhằm tạo thuận lợi cho bên tham gia bảo hiểm được bên bảo hiểm bồi thường, bên tham gia bảo hiểm có thể cung cấp thông tin sai sự thật về thời điểm tàu xảy ra sự cố, hoặc che giấu và tiêu hủy nhật ký tàu, nhật ký máy…

Theo Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2015, hậu quả pháp lý cho hành vi lừa dối trong giao kết hợp đồng chỉ có một là hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên, hành vi lừa dối trong giao kết hợp đồng bảo hiểm có hai hậu quả pháp lý riêng biệt dựa theo lỗi của người tham gia bảo hiểm. Khoản 2 Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm cho phép doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng khi bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm, trong khi nếu hành vi lừa dối được thực himột ện cách vô ý thì hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm. Sự khác nhau giữa hai văn bản luật này là do hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật không thể áp dụng hợp đồng vô hiệu bởi vì nếu trường hợp xấu nhất là hợp đồng vô hiệu thì bên vi phạm cũng không phải chịu thiệt hại gì.


3. Về trách nhiệm giải thích điều kiện, điều khoản bảo hiểm

Như đã khẳng định ở phía trên, hành vi trục lợi diễn ra hai chiều. Bên bảo hiểm cũng có thể trục lợi bằng cách thuyết phục người tham gia bảo hiểm giao kết hợp đồng với những điều khoản bất lợi cho mình, hoặc không trung thực giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo như phản ánh của Luật sư Trần Thị Chi Lan, giám đốc pháp lý Tổng công ty Bảo Minh, cho dù Luật kinh doanh bảo hiểm có nhiều quy định về trách nhiệm giải thích điều kiện, điều khoản bảo hiểm, tuy nhiên luật vẫn chưa giải thích rõ ràng làm thế nào để doanh nghiệp bảo hiểm chứng minh được mình đã hoàn thành nghĩa vụ giải thích cho bên mua bảo hiểm. (5)Điều này gây nên sự thiếu thống nhất trong việc xét xử của Tòa án khi ra tranh chấp hợp đồng bảo hiểm. Thực tiễn cho thấy khi xảy ra tranh chấp bảo hiểm, kết quả giải quyết tranh chấp thường phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của Toà án.

Trong nhiều trường hợp tranh chấp, người tham gia bảo hiểm khi mua bảo hiểm hiểu nhầm các điều khoản và tưởng rằng đã hiểu cặn kẽ nên đã không nhờ nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm làm rõ lại, hoặc đã được giải thích lại rồi song bên doanh nghiệp bảo hiểm không có bằng chứng để bảo vệ. Tòa án nhiều khi vẫn diễn giải các hợp đồng theo hướng bất lợi cho người tham gia bảo hiểm và đưa ra tuyên bố bất lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm kể cả khi doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra được bằng chứng là đã diễn giải cặn kẽ các điều khoản.


4. Về tài liệu, chứng cứ bắt buộc phải có trong hồ sơ khiếu nại bồi thường

Chứng cứ và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ được pháp luật tố tụng nước ta quy định rất chặt chẽ. Trong Điều 335 Bộ luật hàng hải cũng nêu rõ “Khi thanh toán tiền bồi thường tổn thất của đối tượng bảo hiểm, người bảo hiểm có quyền yêu cầu người được bảo hiểm trình bày về sự kiện liên quan, xuất trình tài liệu, bằng chứng cần thiết cho việc đánh giá sự kiện và mức độ tổn thất.”.

Tuy nhiên Bộ luật hàng hải hay các văn bản tố tụng khác ở nước ta vẫn chưa quy định rõ những chứng cứ cụ thể cần thiết nào cần được cung cấp cho bên bảo hiểm trong hồ sơ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu. Bởi vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm khi tiếp nhận hồ sơ thường yêu cầu bên tham gia bảo hiểm cung cấp những tài liệu như: giấy chứng nhận bảo hiểm, tất cả các loại nhật ký của tàu, các loại giấy tờ chứng nhận an toàn của tàu… Trên thực tế, nếu xảy ra trường hợp các tài liệu liên quan cần thiết để phục vụ làm chứng cứ thanh toán bồi thường bị mất hay thất lạc, hoặc chủ tàu cố ý tiêu hủy các tài liệu đó nhằm trục lợi bảo hiểm thì các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không có cách nào đánh giá chính xác có nên thực hiện nghĩa vụ bồi thường hay không. Do đó, pháp luật về bảo hiểm hàng hóa nên có điều khoản bắt buộc chủ tàu phải cung cấp những chứng cứ cần thiết để đánh giá tổn thất, nếu chủ tàu không có lý do chính đáng để cung cấp những tài liệu này thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có quyền từ chối bồi thường(6).


MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Để tăng cường và đảm bảo hiệu quả điều chỉnh của pháp luật hàng hải và pháp luật dân sự về hợp đồng bảo hiểm của chủ tàu, ta cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:

  • Tuân thủ quy định Hiến pháp, định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam.

  • Đảm bảo tính kế thừa trong các quy định của pháp luật bảo hiểm hàng hải Việt Nam.

  • Đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với hệ thống pháp luật bảo hiểm Việt Nam.

  • Đáp ứng được nhu cầu phát triển, hội nhập của hàng hải Việt Nam.

Ngoài việc đảm bảo những quy tắc, tư tưởng đã nêu ở trên, chúng ta cần phải thực hiện có hiệu quả và triệt để với một số giải pháp cụ thể sau đây:

Bổ sung những quy định rõ ràng hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ tàu trong việc khai thác, quản lý con tàu, và các mối quan hệ giữa chủ tàu với thuyền bộ, thuyền viên

Nhà nước cần quy định rõ hơn các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu bao gồm các văn bản luật và dưới luật. Việc bổ sung thêm những quy định pháp luật rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ tàu trong việc khai thác, quản lý con tàu có thể hạn chế tai nạn tàu thuyền trên biển và gây thiệt hại cho các bên liên quan.

Đồng thời, để khắc phục tình trạng chủ tàu và thuyền bộ câu kết với nhau nhằm trục lợi bảo hiểm, hoặc trường hợp chủ tàu phó mặc tàu cho thuyền trưởng nhưng sau đó từ chối chịu trách nhiệm nếu có tổn thất xảy ra và đổ lỗi cho thuyền trưởng có hành vi sơ suất, sai lầm. Bên bảo hiểm trong các trường hợp trên dù có nghi ngờ và muốn điều tra minh chứng cũng rất khó khăn. Có thể nói, việc bổ sung quy định pháp luật nhằm tăng cường ràng buộc trách nhiệm giữa chủ tàu, thuyền bộ và thuyền viên trong Bộ Luật hàng hải Việt Nam là giải pháp tối ưu cho tình huống này.


Quy định rõ ràng cụ thể hơn về các tài liệu, chứng cứ bắt buộc trong hợp đồng trách nhiệm dân sự và hồ sơ khiếu nại bồi thường

Khi xảy ra tổn thất đối với các tàu biển, công tác giám định rất quan trọng trong việc xác định bồi thường, lập hồ sơ khiếu nại. Tuy nhiên, công tác này tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế với nhiều lý do. Theo như phân tích ở phần I, mục 4, vì thiếu những quy định pháp luật về chứng cứ, tài liệu minh chứng, tạo cơ hội cho chủ tàu có hành vi lừa dối trong khi giao kết và thực hiện hợp đồng trách nhiệm dân sự. Dẫn tới việc khi truy cứu và làm hồ sơ khiếu nại bồi thường, bên bảo hiểm có xu thế bị trục lợi bởi chủ tàu.

Nhà nước cần quy định chặt chẽ các hồ sơ tài liệu, các minh chứng cần có trong hợp đồng trách nhiệm dân sự và hồ sơ khiếu nại bồi thường. Tránh việc chủ tàu cố ý báo cáo sai lệch tạo thuận lợi giao kết hợp đồng, cũng như tiêu huỷ, thay đổi tài liệu, chứng cứ, chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho thuyền bộ, thuyền viên để vẫn được bên bảo hiểm bồi thường khi có tổn thất xảy ra.

Ngoài ra, để đảm bảo các tài liệu, chứng cứ có giá trị, thì việc siết chặt các quy định quản lý các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc xác nhận, cấp giấy chứng nhận an toàn cho tàu, cấp các chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên và các giấy tờ liên quan là điều kiện tiên quyết, là yếu tố được quan tâm hàng đầu.


Bổ sung văn bản hướng dẫn điều khoản, điều kiện bảo hiểm, giải thích hợp đồng bảo hiểm

Nhằm đảm bảo quyền lợi của bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan lập pháp cần phải bổ sung văn bản hướng dẫn bao gồm một số nội dung sau:

  • Với trường hợp điều khoản không rõ ràng, khách hàng có quyền đề nghị bên doanh nghiệp bảo hiểm giải thích, sau đó khách phải ký cam kết hiểu rõ điều khoản bảo hiểm. Nếu khách hàng có bằng chứng doanh nghiệp từ chối trách nhiệm giải thích, Toà án có thể áp dụng Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm để làm căn cứ xét xử.

  • Trong trường hợp khách hàng mua bảo hiểm không đề nghị, không yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích. Đồng thời, khách đã ký cam kết hiểu rõ điều khoản bảo hiểm. Trường hợp này sẽ được coi là bên mua bảo hiểm đã hiểu đúng và đầy đủ các quy tắc, điều khoản bảo hiểm và bên bán bảo hiểm đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định.

KẾT LUẬN

Ở Việt Nam, các chủ tàu đã tham gia bảo hiểm P&I từ khá lâu, đã và đang trải qua những giai đoạn phát triển thăng trầm, góp phần đáng kể trong sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm nước nhà. Bên cạnh những dấu hiệu tích cực thì thực tiễn đã chứng minh hoạt động bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu vẫn còn những hạn chế pháp lý nhất định dẫn tới nhiều tranh chấp vô cùng phức tạp do tính chất đặc thù của nghiệp vụ.

Qua những phân tích, so sánh về các quy định và điều luật, cũng như đánh giá về tình hình thực tiễn các hoạt động liên quan tới bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, có thể khẳng định rằng để có thể cải thiện những hạn chế, tiêu cực trong hoạt động bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, Chính phủ Việt Nam cần phải siết chặt quản lý, cải cách phù hợp để hoàn thiện hệ thống pháp luận quốc gia, đồng thời tạo điều kiện cho hệ thống hàng hải ở Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập toàn cầu.

Vũ Duy Đức - Tô Bình

Nguồn ảnh: Internet

 

HỆ THỐNG GHI CHÚ

(1) Lê Thị Thúy, Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu biển Việt Nam theo pháp luật dân sự Việt Nam, Luận văn bảo vệ thạc sĩ, 2012, tr103.

(4) Lê Thị Thúy, tlđd, tr102

(5) Trần Thị Chi Lan, “Một số vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ dưới góc nhìn của doanh nghiệp bảo hiểm”. Kỷ yếu Hội thảo về “Pháp luật kinh doanh bảo hiểm và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ”, Tòa án nhân dân tối cao, 8/2019

(6) Lê Thị Thúy, tlđd

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015.

2. Luật kinh doanh bảo hiểm.

3. Bộ luật dân sự năm 2015.

4. Lê Thị Thúy, Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu biển Việt Nam theo pháp luật dân sự Việt Nam, Luận văn bảo vệ thạc sĩ, năm 2012.

5. Trần Thị Chi Lan, “Một số vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ dưới góc nhìn của doanh nghiệp bảo hiểm”. Kỷ yếu Hội thảo về “Pháp luật kinh doanh bảo hiểm và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ”, Tòa án nhân dân tối cao, 8/2019.












Comments


bottom of page